Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Những tác hại khi cho trẻ dùng nhân sâm

Hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh tác dụng của nhân sâm đối với sự phát triển của trẻ, do đó không nên lạm dụng nhâm sâm cho trẻ, kể cả trà sâm.
Nhân sâm không có lợi cho trẻ nhỏ

Không chỉ hiện diện ở các siêu thị, những loại trà sâm, trà linh chi bày bán khá nhiều ở hiệu thuốc, nhất là phố thuốc Lãn Ông (Hà Nội). Ở đây, người mua có thể tìm thấy đủ các chủng loại từ chè tan liền, chè túi lọc, tinh chất, bột linh chi, nấm linh chi nguyên chiếc, sâm củ, sâm lát, trà sâm... được nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc và cả hàng trong nước sản xuất.

Nhân sâm không phải là “thần dược” của trẻ

Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, trong nhi khoa đông y, nhiều chứng bệnh rất cần dùng nhân sâm nói riêng và các loại sâm khác nói chung như đẳng sâm, cát lâm sâm, tây dương sâm, thái tử sâm. Chẳng hạn, khi trẻ bị suy dinh dưỡng, còi xương, suy nhược có thể sau ốm, thiếu máu... thì đông y có sử dụng thành phần nhân sâm trong một số bài thuốc để hồi phục sức khỏe, bồi bổ cơ thể cho trẻ nhỏ. Nhưng phải dùng đúng cách, không nên lạm dụng. Hiện ở Hà Nội đang có phong trào các bà mẹ cho trẻ uống trà sâm mà không biết đến tác hại của loại “thần dược” này.

Theo PGS-TS Nguyễn Thu Nhạn, Chủ tịch Hội Nhi khoa VN, nhân sâm không phải là chất dinh dưỡng nhất thiết phải bổ sung trong quá trình tăng trưởng, cũng như tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.

Gây xáo trộn quá trình dậy thì của trẻ

Do sâm có tính hàn nên khi sử dụng cần kết hợp với gừng để hỗ trợ, nếu không có thể gây lạnh bụng dẫn đến đau bụng. TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng đối với trẻ từ việc sử dụng thuốc bổ, thuốc bệnh đến các thực phẩm chức năng nên có sự chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều cha mẹ chỉ nghe lời đồn thổi mà mua các loại thuốc bổ, thuốc kích thích tăng trưởng, ăn uống, tiêu hóa... tự ý cho con uống. Có thể những tác dụng phụ chưa nhìn thấy ngay, nhưng nếu cứ dùng thường xuyên thì sẽ gây nhiều hậu quả khác nhau.

Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn cảnh báo trẻ em thể chất khỏe mạnh, phát triển bình thường, không bị mắc các bệnh lý thuộc hư chứng thì nhất thiết không cần dùng thuốc bổ nói chung và nhân sâm nói riêng. Nếu tùy tiện dùng nhân sâm cho trẻ có thể làm xáo trộn quá trình dậy thì của trẻ. Những tác dụng phụ do dùng nhân sâm gây ra còn khiến trẻ bị rối loạn đường tiêu hóa, thần kinh không bình thường, lâu dài dẫn đến mất ngủ và dễ bị kích động.

Nhiều bác sĩ khuyên rằng, trẻ không thể từ còi cọc mà trở thành béo tốt nhờ vào nhân sâm hay các thực phẩm đa chức năng khác. Nếu cần dùng thì trẻ phải được thầy thuốc chuyên khoa khám xét toàn diện để xác định, chẩn đoán chính xác và xem bệnh lý của trẻ thuộc thể loại nào, từ đó mới lựa chọn thuốc bổ cho phù hợp. “Không chỉ với nhân sâm mà tất cả các thuốc bổ đông y khác như nhung hươu, cao hổ cốt, đương quy, kỷ tử, hoàng kỳ, thục địa... cũng phải tuân thủ triệt để nguyên tắc này”- thạc sĩ Toàn khẳng định.
Theo_Người Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét